Vì sao những ý tưởng kinh doanh bị dập tắt?
Kinh doanh không phải chỉ là việc bắt chước những gì người khác đã làm. Đó là cả sự nỗ lực, cố gắng không ngừng để đạt được thành công. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy đọc những chia sẻ của diễn giả Quách Tuấn Khanh.
Nếu áp dụng một cách cứng nhắc những ý tưởng, kinh nghiệm khởi nghiệp của người khác, bạn có thể gặp thất bại vì nó chưa chắc hợp với hoàn cảnh, khả năng của bản thân mình, theo diễn giả – doanh nhân Quách Tuấn Khanh.
Diễn giả – doanh nhân Quách Tuấn Khanh
Tự nhận mình khởi nghiệp “không giống ai” và nhờ kiên định đi theo con đường đã chọn, diễn giả – doanh nhân Quách Tuấn Khanh đã đạt được thành công. Ông cho rằng, thành công của bản thân là kết quả của việc không ngừng nỗ lực để tạo ra sự khác biệt. Ông chia sẻ góc nhìn của mình về việc khởi nghiệp với giới trẻ.
* Nhiều người mang hoài bão và ý tưởng kinh doanh táo bạo nhưng chưa gặt hái thành công như mong đợi. Theo ông, đâu là cốt lõi vấn đề?
Tìm tòi ý tưởng không khó, nhưng ý tưởng đó có mang lại lợi nhuận và triển khai được hay không, có thực sự độc đáo và đột phá hay không mới là chuyện cần phải nghĩ sâu hơn.
Hiện nay nhiều người mới khởi nghiệp đưa ra những ý tưởng rất táo bạo nhưng cuối cùng truy ra thì ý tưởng đó mang nguyên từ nước ngoài về. Điều này không nên vì ngay bước ban đầu bạn đã đi lấy chất xám từ người khác. Sự nỗ lực của bạn sau này cũng không còn ý nghĩa, chưa kể ý tưởng đó chưa chắc hợp với Việt Nam.
Vì vậy, nếu có ý tưởng kinh doanh hay và có ý định khởi nghiệp thì bạn phải suy tính và tìm đường đi cho mình để biến nó thành việc kinh doanh thật sự.
* Để biến một ý tưởng kinh doanh thành hiện thực và thành công cần phải lưu ý những gì?
Một ý tưởng thành công, đặc biệt là ý tưởng kinh doanh phải dựa trên 3 tiêu chí. Thứ nhất là dựa trên năng lực của người đưa ra ý tưởng, vì họ là người chịu trách nhiệm về sự thành công của ý tưởng.
Thứ hai là phải có giá trị cho xã hội, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Suy cho cùng, mục đích mà việc kinh doanh nhắm tới nhằm phục vụ cho đời, cho cuộc sống, cho khách hàng. Vậy nên sản phẩm hay dịch vụ đó phải giúp nâng tầm cuộc sống, mang lại sự thoải mái nhất cho người dùng.
Cuối cùng, ngoài việc có ý tưởng còn cần đam mê. Đam mê được truyền từ người ra ý tưởng đến ý tưởng đó. Theo các nghiên cứu, 90% người mua hàng dựa vào cảm xúc, 10% còn lại dùng lý trí để chứng minh cho lựa chọn của mình. Thấy một sản phẩm làm từ đam mê, chắc chắn nó cũng sẽ truyền cảm hứng đến người mua, người tiếp nhận sản phẩm đó.
Khó khăn lớn nhất của người mới khởi nghiệp là phải nuôi dưỡng, hun đúc đam mê đó để lúc nào nó cũng cháy.
* Làm cách nào gì để vượt qua các chướng ngại vật trong quá trình khởi nghiệp?
Phải làm với đam mê của chính bạn, khi đó bạn mới “thổi hồn” vào sản phẩm của mình và làm nên điều khác biệt. Khó khăn lớn nhất của người mới khởi nghiệp là phải nuôi dưỡng, hun đúc đam mê đó để lúc nào nó cũng cháy.
Bước đầu khởi nghiệp, bạn là người vừa làm công, vừa làm chủ vừa làm điều hành nên áp lực công việc rất lớn. Lúc này, chỉ có đam mê mới kéo bạn lại. Trong đó còn phải kể đến nhiều yếu tố như thiên thời – địa lợi – nhân hòa nữa.
Mỗi người có một ý tưởng và ý niệm về cuộc sống riêng, nhưng trong kinh doanh cũng giống như hội họa vậy, chúng ta không thể vẽ ra bức tranh đẹp ngay từ đầu mà cần có thời gian chỉnh sửa. Những điều tôi chia sẻ ở trên để cho các bạn đang có ý tưởng sẽ phản biện lại chính mình để xem ý tưởng đó có thực sự đáp ứng được hay không, xem xét và soi ý tưởng của mình ở nhiều góc độ khác nhau để biến nó thành việc kinh doanh thật sự.
* Là thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi “Ý tưởng trăm triệu”, ông chia sẻ gì với các bạn trẻ đang khao khát thể hiện mình qua cuộc thi này?
Chỉ cần mạnh dạn tham gia cuộc thi các bạn trẻ đã là người chiến thắng vì các bạn đã chiến thắng bản thân mình, dám nghĩ và dám thể hiện và bảo vệ những ý tưởng của mình. Tuy nhiên khi tham gia cuộc chơi này, cần phải tạo lập ý tưởng kinh doanh thực thụ với kế hoạch, định hướng rõ ràng, làm việc với tinh thần cao nhất.
Theo Minh Trí
(Vnexpress)